Tăng cân, bé 5 tuổi đi khám bất ngờ phát hiện thận hư, bác sĩ chỉ rõ trẻ có 4 dấu hiệu này cần được khám sớm!
Trẻ có dấu hiệu tăng cân bất thường, tiểu ít, nước tiểu có bọt lâu tan hoặc có màu đỏ, chán ăn, mệt mỏi... cần được thăm khám sớm.
Theo thông tin từ BV Bãi Cháy, Quảng Ninh, vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận bé N.H.A (5 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), được gia đình cho đến khám trong tình trạng tăng cân nhiều, có dấu hiệu phù, ho, tiểu ít…
Kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu cho thấy tình trạng protein (albumin) giảm, cholesterol trong máu tăng, protein nhiều trong nước tiểu. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc hội chứng thận hư và điều trị theo phác đồ. Hiện tại sau hai đợt điều trị, sức khỏe bệnh nhi ổn định, các chỉ số xét nghiệm cải thiện.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hoa – Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, hội chứng thận hư ở trẻ em là tình trạng một lượng lớn protein (albumin) bị mất qua nước tiểu, gây ra tình trạng giảm protein trong máu. Protein có vai trò quan trọng trong việc giữ nước ở lòng mạch. Khi lượng protein trong máu của trẻ thấp thì nước sẽ thoát ra các mô kẽ, gây tình trạng phù nề.
Bệnh thận hư có thể chuyển sang biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sự phát triển, thậm chí là tính mạng của trẻ như suy thận cấp, chèn ép tim cấp do tràn dịch màng tim, nhiễm trùng huyết. Đặc biệt, hội chứng thận hư kháng thuốc có thể gây suy thận mạn tính dẫn đến nguy cơ phải lọc máu và ghép thận.
Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu sau bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám sớm để phòng ngừa biến chứng.
4 dấu hiệu điển hình của hội chứng thận hư, cần được khám sớm
Trẻ xuất hiện phù
Bệnh nhi bị hội chứng thận hư thường đến khám vì triệu chứng phù toàn thân. Với đặc điểm phù toàn thân, phù trắng mềm, ấn lõm, tiến triển nhanh và nặng, Trẻ mắc hội chứng thận hư có thể có tràn dịch như: Tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tinh hoàn… Trẻ thường mệt mỏi, có thể khó thở khi tràn dịch màng phổi.
Trẻ tiểu ít
Nếu mắc phải hội chứng thận hư, trẻ thường có biểu hiện tiểu ít, lượng nước tiểu trong ngày được ghi nhận giảm đi, nhưng hiếm khi trẻ bị thiểu niệu hay vô niệu.
Trẻ tiểu ra máu
Mặc dù biểu hiện tiểu máu ít gặp ở hội chứng thận hư ở trẻ, nhưng có trường hợp vẫn có thể xuất hiện tình trạng này. Theo nghiên cứu tiểu máu đại thể chỉ gặp 3 – 4% các trẻ bị hội chứng thận hư sang thương tối thiểu, tuy nhiên tiểu máu vi thể có thể gặp trong 20 – 30%. Triệu chứng tiểu máu đại thể thường gặp hơn ở sang thương viêm cầu thận tăng sinh màng.
Trẻ có biểu hiện tăng huyết áp
Nếu mắc phải hội chứng thận hư, trẻ rất có thể sẽ bị tăng huyết áp, nhưng tỷ lệ này thấp, chỉ có khoảng 5 – 7% các trường hợp sang thương tối thiểu bị tăng huyết áp. Triệu chứng tăng huyết áp thường gặp hơn ở thể xơ hóa cục bộ từng vùng và nặng nhất ở thể viêm cầu thận tăng sinh màng, có thể dẫn đến bệnh não do tăng huyết áp.
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác hội chứng thận hư ở trẻ, các bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm như: Xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác hội chứng thận hư và tìm nguyên nhân gây bệnh.
Chế độ ăn uống cho trẻ bị hội chứng thận hư
Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị hội chứng thận hư ở trẻ. Do đó, khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ nên lưu ý:
– Giảm lượng muối cung cấp cho cơ thể mỗi ngày: Giảm gánh nặng cho thận, giảm nguy cơ tăng huyết áp và cải thiện tình trạng phù.
– Thực hiện chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol nếu trẻ có dấu hiệu tăng cholesterol và chất béo trung tính trong máu.
– Duy trì lượng protein bình thường trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Nguồn: https://phunusuckhoe.giadinhonline.vn/tang-can-be-5-tuoi-i-kham-bat-ngo-phat-hien-than-hu-bac-si-chi-ro-tre-co-4-dau-hieu-nay-can-uoc-kham-som-c21a472508.html