Phụ nữ học vấn cao làm mẹ toàn thời gian có phải đã quá lãng phí cơm ăn áo mặc của cha mẹ

Sau khi có con, nhiều vấn đề mới sẽ phát sinh và buộc người mẹ phải đi đến những chọn lựa khó khăn.

Chẳng hạn “Con còn nhỏ, có nên thuê bảo mẫu chăm con để dành thời gian cho công việc, phát triển sự nghiệp?” hay sẽ phải “Chọn lựa làm mẹ toàn thời gian để dốc hết tâm sức, thời gian nuôi dạy con nên người?”

Khi tất cả những trăn trở đó xuất hiện, chẳng có lựa chọn nào hoàn hảo mà chỉ có thể là sự sắp xếp chu toàn ở vai trò nào để đi đến kết quả sau cùng.

Người ngoài muốn vào, người trong muốn ra

Với lựa chọn làm mẹ toàn thời gian, sẽ ra sao nếu đó là một người mẹ có trình độ học vấn cao? Liệu ở nhà với con có phải là lựa chọn hoàn toàn sáng suốt hay cuối cùng sẽ phải chua chát thừa nhận đó là cả một sự lãng phí?

hình ảnh

Ảnh minh họa

Chị Kim Anh học lên thạc sĩ, đi làm 2 năm thì dính bầu con thứ 3. Thời gian đầu, sự có mặt của con khiến chị thụ động, rơi vào khủng hoảng vì sự nghiệp đang trên đà tiến triển, gia đình vốn đang yên ổn. Đứng trước nhiều lần đắn đo, “cầm lên bỏ xuống”, Kim Anh quyết định bàn với chồng và ở nhà chăm con toàn thời gian. Bạn bè, người quen, họ hàng… khi hay biết tin này đều dè bỉu. Ai cũng cho rằng phụ nữ học cao rồi cuối cùng cũng về bếp núc, chồng con, quá lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức. Một lần nữa, đứng trước những bàn ra tán vào của mọi người, Kim Anh lại bối rối, không tránh khỏi tiếc nuối.

Thế nhưng, những bà mẹ đang vừa đi làm, vừa chăm con và lo quán xuyến việc trong nhà lại luôn nhìn những người mẹ toàn thời gian như Kim Anh mà ghen tị.

Những bà mẹ đi làm luôn áy náy, mặc cảm tội lỗi vì không có nhiều thời gian bên con. Họ không có được chỗ dựa tài chính vững chắc để có thể tự do chọn lựa ở nhà hay đi làm mà chỉ còn một lựa chọn duy nhất. Một số phải cần có công việc để tồn tại và khẳng định bản thân thông qua công việc trước những con mắt soi mói, cho rằng phụ nữ chăm con là ăn bám.

Chọn để bắt đầu

Sự nghiệp được xem như công cụ để kiếm tiền. Muốn sự nghiệp thăng tiến nhất thiết phải có sự đam mê. Còn nhà là bến đỗ tình yêu và đôi khi là đích đến hạnh phúc của người phụ nữ.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Khi chị Liên Xuân (một người bạn của tôi, là chuyên gia tổ chức sự kiện) chuyên tâm vào công việc, chị phải đi công tác thường xuyên, vắng nhà như cơm bữa, thậm chí con không có mẹ cũng chẳng thấy nhớ. Cuộc sống phó mặc hết cho chồng nảy sinh mâu thuẫn từ nhỏ thành ra to và to dần. Thời gian đó, chuyện học hành của con cũng có vấn đề, cô giáo thường gọi điện mắng vốn về thái độ lơ là học tập của bé. Tâm trạng của con chị cũng dần thay đổi theo chiều hướng xấu. Bé trở nên tự ti, rụt rè, chán nản. Một lần về quê chồng ăn giỗ, người em dâu nói mỉa: “Thường nhà nào mẹ học cao, con đốt sách thôi à!” khiến chị nóng mặt, suýt nữa không kiềm chế được thì cũng chị chị, em em choảng nhau một trận. Nhưng cũng vì câu nói đó mà chị Xuân ngày đêm ray rứt và nảy sinh ý định gác hết công việc để chăm lo cho con.

Có người ví von rằng “nuôi dạy con giống như thành lập công ty, và cha mẹ chính là CEO”. Điều đó chỉ để cho thấy một điều rằng, dạy con không hề là việc đơn giản mà đòi hỏi có kế hoạch, chiến lược và thật sự kiên trì theo đuổi.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Những bà mẹ có trình độ học vấn cao cuối cùng đành phải tạm gác ước mơ nghề nghiệp của mình để chọn chuyên tâm vì con, làm một người mẹ toàn thời gian. Họ bắt tay vào giải quyết trước hết các vấn đề học hành, tâm lý của con trước khi xốc lại tinh thần của cả gia đình, xây dựng nề nếp sinh hoạt và sự tự tin nơi các con.

Song song đó, còn phải giải bài toán khó về kinh tế gia đình, thậm chí nếu một mình chồng không thể lo nổi thì bản thân người mẹ toàn thời gian phải tìm hiểu để đa dạng hóa các nguồn thu nhập, tài khoản dự phòng và đầu tư thông qua nhiều kênh khác nhau. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng có thể thấy những bà mẹ toàn thời gian có trình độ học vấn cao không hề để lãng phí tài năng của mình mà thậm chí còn có thể tạo nên thành tựu lớn trong gia đình, là chính những đứa con thành đạt.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Một chị bạn của tôi, không tiện xưng tên, là một ví dụ. Chị vốn là giám đốc tài chính của một công ty xuất nhập khẩu, từng có thời gian đầu quân cho các công ty đa quốc gia và là người khá có tiếng trong ngành. Thế nhưng khi sinh đứa con thứ hai, chị lại quyết định tạm gác công việc vì muốn xây dựng gia đình, ở bên các con trong giai đoạn dậy thì và cùng đồng hành với các con trên bước đường trưởng thành.

Chị đã dùng số tiền dành dụm của mình vào các kênh đầu tư khác nhau nhằm sinh ra nguồn lợi nhuận lớn hơn và có được thu nhập đều đặn hàng tháng. Chị nâng niu gia đình, tôn trọng cuộc hôn nhân và trên hết coi trọng sự tồn tại của mỗi đứa con. Chị xây dựng cho con một nhân cách vững vàng, thúc giục dạy bảo con kiên trì trong mục tiêu đã đặt ra, thay vì ép con phải dồn lực vào các kỳ thi để đạt điểm cao.

Khi một người phụ nữ có trình độ, có sự quyết đoán mạnh mẽ dồn hết tâm huyết và trí tuệ cho cuộc sống gia đình chồng con thì gia đình của họ trở thành điểm sáng và thành tựu của họ chính là con cái.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Chị bạn này của tôi có hai con đều đang là du học sinh, một là sinh viên của Học viện Công nghệ Massachusetts và một nữa là sinh viên của trường thiết kế thời trang Fashion Institute of Technology. Hai đứa trẻ không chỉ khiến chị tự hào vì thành tích học tập cao mà còn làm chị mãn nguyện vì đứa con nào cũng là người tế nhị, cư xử tử tế và biết quan tâm đến người khác.

Vậy mới nói, giáo dục không phải là con đường vạch sẵn cho tất cả các bà mẹ bước đến đó và làm đúng một công thức để cho ra lò những chú gà nòi công nghiệp. Ở đó, đòi hỏi tâm huyết và tình yêu của người cha, người mẹ và do đó thời gian dành cho con cái là điều đừng nên chỉ xem là xa xỉ dù mẹ có là người phụ nữ tri thức hay chỉ đơn giản là một người mẹ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình.

Nguồn: https://www.webtretho.com/p/phu-nu-hoc-van-cao-lam-me-toan-thoi-gian-co-phai-da-qua-lang-phi-com-an-ao-mac-cua-cha-me

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X