Mang thai có 3 thời điểm đặc biệt nhạy cảm, mẹ bầu tuyệt đối đừng lơ là

Trong suốt 9 tháng thai kỳ, bà bầu cần đặc biệt chú ý vào những thời điểm nhạy cảm mới mong giúp con khỏe mạnh, chào đời tròn tháng đủ ngày.

Với người phụ nữ, mang thai không phải là điều dễ dàng. Thoạt đầu đó sẽ là cảm giác tràn ngập niềm hạnh phúc khó tả, sau đó là những lo lắng, sợ hãi về sự an toàn của bào thai. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên quá lo lắng vì có ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Tốt hơn hết mẹ nên chú ý vào những thời điểm nhạy cảm trong thai kỳ để tránh làm tổn thương con và tập trung chăm sóc thai nhi tốt nhất.

Dưới đây là 3 thời điểm cũng như 3 giai đoạn bà bầu cần đặc biệt chú ý để có thể trở thành một người mẹ tốt nhất nhé.

Thời điểm đầu tiên: 2 tháng đầu mang thai

Trong 2 tháng đầu, các cơ quan của phôi thai bắt đầu hình thành và phát triển thành thai nhi. Ở thời điểm này, thai nhi vẫn chưa có gì gọi là chắc chắn, nếu bị kích thích từ bên ngoài dễ dàng ảnh hưởng xấu đến em bé. Trong giai đoạn này, trứng được thụ tinh và liên tục phân chia các tế bào. Nếu trứng được thụ tinh có vấn đề về chất lượng, rất có thể bào thai sẽ ngừng phát triển hoặc gặp các biến dị, gây dị tật.

Trong giai đoạn này, người mẹ mang thai cần chú ý nhiều hơn, mẹ phải thay đổi một số thói quen xấu, chẳng hạn như thức khuya, uống rượu,… Ngoài ra, mẹ bầu cũng phải thận trọng hơn trong mọi vấn đề khác.

Thời điểm 2: Tháng thứ 3 của thai kỳ

Trong suốt thời 9 tháng bầu bì, 3 tháng đầu là giai đoạn đặc biệt nhạy cảm, mẹ bầu rất dễ bị sẩy thai. Thông thường, qua được 2 tháng đầu thì nhiều mẹ bắt đầu chủ quan cho rằng đã sang mốc an toàn. Nhưng tháng thứ 3 của thai kỳ vẫn là một tháng đầy thử thách mà mẹ tiếp tục phải đặt sự cẩn trọng lên đầu.

Tình trạng túi thai bị lọt ra ngoài, túi thai không có phôi thai (chửa trứng),.. là những dạng thường gặp trong tháng này nên bà bầu phải đặc biệt lưu ý. Việc vận động hoặc di chuyển quá mạnh trong thời gian này có thể khiến thai nhi rất khó bám chắc vào tử cung. Những biện pháp phòng ngừa trong thời gian bầu bì đối với những ai lần đầu làm mẹ hẳn sẽ khá bỡ ngỡ. Do đó, để có nền sức khỏe tốt nhất trong thai kỳ, tạo môi trường thuận lợi cho em bé phát triển, mẹ nên học một vài kiến thức chăm sóc thai kỳ.

Theo các chuyên gia, trong tháng thứ 3 này, người mẹ cần tiếp tục tránh những thói quen xấu trước đây, cố gắng duy trì thói quen tốt, chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Cũng trong tháng này, thai nhi vẫn chưa thể chắc chắn đã bám chặt vào tử cung mẹ nên vợ chồng phải chú ý nhiều hơn trong “chuyện yêu”, kiểm soát tần suất quan hệ tình dục, bởi vì “yêu” không đúng cách có thể tăng nguy cơ sẩy thai ở tháng thứ 3 nhạy cảm này.

Thời điểm 3: Trước khi bước vào tuần thai thứ 37

Đối với một thai kỳ bình thường, khi bước vào tuần 37, em bé được coi là “đủ dáng đủ hình”, có thể sẵn sàng chào đời. Nhưng ở thời điểm trước tuần 37, mẹ nên cố gắng giữ thai không bị ảnh hưởng, bởi vì nếu em bé bị tác động có thể sinh trước tuần này, thậm chí là quá sớm. Trường hợp sinh trước tuần 37 gọi là sinh non. Trẻ sinh quá sớm trước tuần 37 phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe về sau, còn chưa kể người mẹ cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ rủi ro rình rập. Do vậy, mẹ phải chú ý nhiều hơn về mọi mặt như cần được nghỉ ngơi tốt, tránh để cơ thể mệt mỏi và không nên ăn uống tùy tiện. Mẹ nên chú ý theo dõi những thay đổi trong cơ thể, chú ý những dấu hiệu sắp sinh khi gần đến ngày sinh dự kiến để tránh trường hợp sinh con rơi.

Theo GIA ĐÌNH MỚI

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X