Gia đình là tổ ấm yêu thương, hạnh phúc và an toàn

Gia đình là một nhóm tâm lý tình cảm đặc thù trong đó chứa đựng tình yêu thương, tình ruột thịt, lòng biết ơn, sự thư giãn để giúp cho khả năng tái sản xuất ra sức lao động của con người.

Trong nhiều xã hội, các gia đình được coi như những nhóm tình cảm chủ yếu đối với các thành viên của chúng, đem lại cho con người cảm giác an toàn về mặt cảm xúc, cảm giác sở hữu và cảm giác có giá trị. Đối với những thành viên gia đình, có thể đặt ra câu hỏi, nếu như gia đình ta không yêu quý ta? Khi còn trẻ, ta mong muốn cha mẹ, anh chị em và những bà con họ hàng đánh giá cao ta. Sau đó ta mong muốn điều này từ vợ/ chồng hoặc thậm chí từ con cái của ta.

Tất nhiên, không phải tất cả các gia đình đều đáp ứng được nhu cầu này cho các thành viên của chúng và hậu quả là khủng hoảng, xung đột, bạo lực, ly hôn, lạm dụng, ngược đãi thành viên, ngoại tình, bỏ nhà ra đi, tự tử. Trong những trường hợp này, người ta sẽ ít nhờ cậy vào sự giúp đỡ về tinh thần của gia đình và gia đình đã không làm tròn chức năng quan trọng và đặc thù của nó là chức năng tinh thần, tình cảm. Nỗi căm hận, oán trách của các thành viên với gia đình sẽ nặng nề hơn với các người dưng trong cùng một trường hợp.

Gia đình là tổ ấm yêu thương, hạnh phúc và an toàn. Ảnh minh họa

Gia đình là tổ ấm yêu thương, hạnh phúc và an toàn. Ảnh minh họa

Thời đại nào cũng vậy, hai chữ “Gia đình” thường được nhắc đến với những gì dịu ngọt nhất. “Tổ ấm “, “ Lạc thú gia đình” là những ngôn từ trong cuộc sống, trong bài hát và trong trái tim của mỗi người. Gia đình là ngọn lửa  ấm áp, là chỗ dựa tình cảm cho mỗi con người. Hầu hết chúng ta, khi nghĩ tới gia đình, nói về gia đình vẫn thường hình dung đến những gì êm ấm và hạnh phúc nhất.

Như vậy, từ sự cưu mang về kinh tế trong gia đình chuyển thành tình cảm thắm thiết. Gia đình không chỉ là chỗ dựa về mặt vật chất mà còn là nơi nương tựa về mặt tinh thần. Rất nhiều người đã gọi gia đình là một “Tổ ấm trong thế giới vô tâm”, coi gia đình là nơi họ có thể tìm thấy sự đùm bọc, sự giúp đỡ, sẻ chia trong một thế giới đầy những khó khăn, trắc trở. Bởi vậy, những người được sống cùng gia đình bao giờ cũng sung sướng và hạnh phúc hơn những người phải sống cô đơn một mình.

Trong cái nhóm nhỏ những con người liên kết với nhau thành gia đình cũng có biết bao nhiêu mối quan hệ không kém phần phức tạp. Tuy vậy, mặc cho đôi lúc những quan hệ gia đình có thể sẽ là cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, có thể sẽ không chỉ là những vấn đề thuần tuý nội bộ mà phải đưa ra xử lý bằng pháp luật và đạo lý ngoài xã hội, nhưng quan hệ gia đình vẫn là những mối quan hệ nặng về tình cảm nhất so với các quan hệ xã hội khác. Những quan hệ về tình mẫu tử, phụ tử, về tình yêu đôi lứa, tình cảm anh chị em… đã là nguồn cảm xúc vô tận cho biết bao nhiêu sáng tác nghệ thuật. Các nền văn minh trên thế giới có thể là rất đa dạng nhưng đều tôn vinh tình cảm gia đình, dành cho gia đình những chuẩn mực văn hoá tốt đẹp nhất.

Quan hệ gia đình, trước hết là quan hệ của những trái tim, cái quan hệ mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã nói là : “Có phải duyên nhau thì thắm lại đừng xanh như lá bạc như vôi”. Chính tình cảm gia đình đã tạo cho mỗi cá nhân sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trở ngại và vươn tới những thành công trong cuộc đời.

Tình cảm gia đình có thể biến “Túp lều tranh với hai trái tim vàng” thành những lâu đài của hạnh phúc, giúp những cặp vợ chồng nghèo khổ có thể “Tát cạn biển Đông”. Khuôn mẫu tình cảm gia đình của bất cứ nền văn hoá nhân đạo nào cũng không phải chỉ là “Những lầu son gác tía chứa đầy của cải nhưng giá lạnh” mà là những gian bếp gia đình lúc nào cũng bập bùng ngọn lửa ấm và đầy ắp tiếng cười. Bởi vậy giá trị cao nhất trong nấc thang về hạnh phúc bao giờ cũng là những giá trị về gia đình, là sự giản dị của cuộc sống “Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa”, “ Râu tôm nấu với ruột bầu; Chồng chan vợi húp gật đầu khen ngon”.

 
Gia đình là nơi mọi người yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ảnh minh họa

Gia đình là nơi mọi người yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ảnh minh họa

Phân tích cấu trúc của chức năng tình cảm trong gia đình, chúng ta có thể thấy các dạng quan hệ gia đình được biểu hiện như sau :

– Thứ nhất là những tình cảm trong mối quan hệ giữa các thế hệ. Chẳng hạn như tình cảm ông bà đối với con cháu, tình cảm cha con, mẹ con, tình cảm cô bác chú dì và các cháu… Những tình cảm này được xây dựng thành các chuẩn mực xoay quanh khái niệm về “chữ hiếu” truyền thống. Cơ sở của những tình cảm trên là trách nhiệm về việc chăm lo chăm sóc lẫn nhau giữa cha mẹ ông bà với con cháu. Cha mẹ nuôi dưỡng dạy dỗ con cái thành người, con cháu quan tâm chăm sóc người già .

Trong xã hội hiện đại, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng lên đáng kể. Điều đó cũng có nghĩa là trong các gia đình, sự hiện diện của những người cao tuổi cũng tăng lên. Ở vào độ tuổi 60, hầu hết các bậc cha mẹ đã hoàn thành nghĩa vụ nuôi dạy con cái của mình và họ bắt đầu đòi hỏi về sự chăm sóc. Tuy nhiên trên thực tế, người già ở Việt Nam vẫn còn phải lao động và ít người được hưởng sự chăm sóc tận tình của con cháu. Người cao tuổi có những đòi hỏi về tình cảm nhiều hơn là về vật chất. Chính quan hệ tình cảm với con cháu là động lực khiến họ thanh thản và sống lâu hơn.

– Thứ hai, những tình cảm trong mối quan hệ giới, đặc biệt là vợ chồng, tình yêu và hôn nhân. Tình cảm vợ chồng bắt nguồn từ tình yêu. Các nền văn minh của nhân loại luôn tôn vinh tình yêu như thứ chất xúc tác không thể thiếu cho một cuộc hôn nhân thành công. Ngày nay, khuynh hướng sống theo tiếng gọi của con tim, sống vì tình yêu đã thúc đẩy giới trẻ trốn tránh sự xếp đặt của cha mẹ, thoát ly gia đình để tự gây dựng một tổ ẩm cho mình. Điều đó lại dẫn đến một kịch bản khác cho tình cảm gia đình. Ban đầu, tình yêu và niềm đam mê thể xác sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống chung. Nhưng sau đó, trước những thách thức và trải nghiệm của cuộc đời, họ lại nhanh chóng nhận ra rằng thực ra tiền tài, địa vị nhiều khi cũng quan trọng chẳng kém gì tình yêu. Tình cảm ban đầu cũng nhanh chóng bay đi theo sự ấm lạnh của những cơn gió phũ phàng từ cuộc sống khó khăn. Tình yêu thắm thiết ban đầu bỗng trở thành nỗi thất vọng triền miên… Đây là một trong những lý do giải thích tại sao tỷ lệ ly hôn ở các nước phát triển đặc biệt là ở Mỹ, Nga lại cao hơn rất nhiều so với các nước nơi vẫn còn chịu ảnh hưởng mạnh của nền văn hoá truyền thống.

– Thứ ba, tình cảm giữa những người cùng một thế hệ như anh em, chị em, anh chị em họ… Người xưa rất coi trọng tình cảm anh em trong gia đình và thường ví nó cũng giống như  là chân tay với nhau. Người ta thường lên án mạnh mẽ những kẻ bất nghĩa, tham lam, chỉ vì sự giàu sang và tiền bạc mà bán rẻ tình nghĩa anh em. Nền tảng của quan hệ anh em, chị em là ở mối quan hệ ruột thịt, sự chung huyết thống giữa họ với nhau.

Ngày nay, ở nhiều nước, nhiều nền văn hoá, tình cảm anh em, chị em vẫn được coi là một giá trị. Sự rạn nứt của những mối quan hệ tình cảm trong gia đình không chỉ phá vỡ gia đình mà còn là sự biểu hiện sâu sắc của sự phá vỡ những quan hệ tình cảm trong xã hội. Chính những hiện tượng trên đã đòi hỏi chúng ta cần phải có sự quan tâm đúng mức tới những biến đổi mạnh mẽ có phần xấu đi của những quan hệ gia đình, đặc biệt là ở chức năng tình cảm của nó. Khắc phục những biểu hiện tiêu cực trên là cơ sở không chỉ cho sự củng cố gia đình mà còn sâu sắc hơn là củng cố các quan hệ xã hội. 

Gia đình là thiết chế xã hội duy nhất có sự hoà nhập của các chức năng khác nhau và chính các chức năng này đã tạo ra một gia đình hoàn chỉnh.

Nguồn: https://giadinhmoi.vn/gia-dinh-la-to-am-yeu-thuong-hanh-phuc-va-an-toan-d89274.html

X
/57976558/Ureka_Supply_myeva.vn_InflowMB_1x1_130623