Ngôn ngữ bí mật của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi) chưa biết nói hoặc chưa nói được nhiều. Tuy nhiên, nếu lắng nghe và quan sát, bạn vẫn có thể hiểu được bé đang cần hay đang muốn nói gì. Sau đây là những “ngôn ngữ bí mật” của bé do tạp chí Parents của Mỹ tổng hợp

Bé tránh nhìn vào bạn = “Con đang bối rối hay xấu hổ”

Khi còn nhỏ, trẻ tránh nhìn vào bạn khi thấy bị choáng ngợp và muốn được tới một chỗ yên tĩnh, không muốn bị quá nhiều người vây quanh. Khi trẻ lớn hơn một chút, khoảng gần 2 tuổi,trẻ bắt đầu biết tự nhận thức, biết xấu hổ. Bé biết bạn đang giận khi bé làm điều gì đó không đúng, như lấy trộm đồ chơi của anh chị em chẳng hạn.

Nhà tâm lý học Kristin Lagattuta, một trợ lý giáo sư tại trung tâm nghiên cứu về não bộ và ý thức Mind and Brain thuộc đại học California cho hay: “Khi một đứa trẻ tránh nhìn bạn, điều đó có nghĩa là bé nhận ra hành động của mình có thể làm bạn thất vọng”.

Bạn nên: Nhắc lại việc trẻ làm là sai bằng những câu ngắn và đơn giản và cùng bé tìm cách khắc phục hậu quả.Ví dụ, bé làm nhàu một trang sách. Bạn hãy nói: “Chúng ta không nên làm nhàu sách nhé”. Sau đó hãy hướng dẫn bé làm phẳng lại trang sách.

Bé mang tất cả thú nhồi bông hay đồ chơi của mình đi ngủ = “Con sợ”

Bỗng nhiên, bé nhà bạn mang rất nhiều thú nhồi bông, đồ chơi đi ngủ. Ông Kerstin Potter, giám đốc chương trình giáo dục mầm non Đại học Harcum ở Pennsylvania giải thích: “Đây là lúc trí tưởng tượng của trẻ bắt đầu phát triển, trẻ gặp những cơn ác mộng, nghĩ trong tủ đang có một con quái vật. Để đồ vật quen thuộc gần mình sẽ giúp trẻ an tâm khi ngủ trưa hoặc thức dậy vào lúc nửa đêm”.

Bạn nên: Đừng cố bảo trẻ là không có quái vật vì điều đó sẽ không có tác dụng gì đâu. Ông Potter cho hay: “Trẻ sẽ nghĩ bạn không thể nhìn thấy quái vật”. Vì vậy, hãy cứ để trẻ để đồ chơi quanh mình.

Trẻ kéo, vặn áo khi gặp một người lạ = “Con lo lắng, hồi hộp”

Giống như người lớn, trẻ cũng thấy lo lắng và hồi hộp khi gặp người lạ, nhưng cách phản ứng của trẻ chắc chắn sẽ khác hơn nhiều. Bà Lisa Nalven, bác sĩ nhi khoa thuộc Trung tâm phát triển trẻ em Valley ở Ridgewood, New Jersey cho biết: “Bé chưa thể vượt qua hay kiểm soát nỗi lo lắng khi gặp người lạ, vì vậy bé giải quyết tình hình theo cách thức thuần túy. Một số trẻ em sẽ nhai áo, kéo quần, quấn chặt lấy chân bạn hoặc giấu mặt vào đâu đó”.

Bạn nên: Vui vẻ mỉm cười và chào thân thiện với khách. Điều đó sẽ trấn an bé và cho bé biết rằng môi trường xung quanh bé đang an toàn và thân thiện.

Bé ném đồ vật, đánh, phá đồ chơi = “Con cảm thấy khó chịu”

Bạn sẽ thấy sốc khi bé tự nhiên dữ dằn, thích đập phá đồ đạc. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng hành vi đó là phản ứng của bé với tình hình hiện tại chứ không phải là dấu hiệu cho thấy bé đang thay đổi tính cách. Thông thường, ở tuổi này, hành động đó của trẻ đồng nghĩa với việc bé muốn nói với bạn rằng: “Con đang chán”, “Con đang thấy mệt mỏi” hoặc “Con cần được bố mẹ quan tâm!”

Bạn nên: Bạn có thể cho bé thời gian suy nghĩ. Bác sĩ Nalven cho hay: “Trẻ nhỏ cần biết rằng, thay vì đập phá, có nhiều cách khác tốt hơn để khiến bố mẹ chú ý. Hãy để trẻ ngồi một mình ở một chỗ yên tĩnh, không có đồ chơi khoảng 2 phút. Điều này sẽ giúp bé hiểu rằng bé không nên hành động thiếu kiểm soát như vậy”.

Mặt khác, bạn nên bình tĩnh để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Có gì đó khiến bé khó chịu hay không? Bạn có thể dẫn bé ra ngoài chơi hoặc chơi cùng bé.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X